Archive

Archive for the ‘Research and Development’ Category

Lý do thật sự khiến hãng máy ảnh Mỹ Kodak phá sản

August 29, 2015 Comments off

Kodak là cái tên nổi tiếng khắp toàn cầu, là niềm tự hào của nước Mỹ. Nói đến máy ảnh, nhiếp ảnh là nói đến Kodak. Thế nhưng, giờ đây công ty đã phá sản, vì nhiều lý do. Song câu chuyện sau đây có thể là một phần nguyên nhân rất lớn khiến Kodak chịu số phận hẩm hiu như vậy.

Năm 1973, chàng thanh niên này đã tạo ra máy ảnh số

5e36c15b05010dc1683236b5584fb355-1440824835838_002

Steven Sasson vào năm 1973, khi anh bắt đầu làm việc tại Kodak

2 năm sau, anh đã sáng tạo ra nền nhiếp ảnh kỹ thuật số và sản xuất chiếc máy ảnh số đầu tiên.

Sasson, lúc đó mới chỉ 24 tuổi, đã sáng tạo ra cả một quy trình cho phép chúng ta chụp ảnh bằng điện thoại, gửi ảnh đi khắp thế giới trong chỉ vài giây và chia sẻ chúng với hàng triệu người. Quá trình này hoàn toàn phá đổ cả ngành công nghiệp mà ông chủ của anh là Rochester đã thống trị và khiến các nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp không ngừng than vãn vì công nghệ số đã phá hủy cả sự nghiệp của họ.

Mọi thứ khởi đầu một cách rất ngây thơ, vô tội.

Ngay sau khi đến là việc tại Kodak, Sasson được giao một nhiệm vụ chẳng có vẻ gì là quan trọng – đó là xem xét liệu thiết bị cảm biến CCD (charged coupled device) còn có ứng dụng thực tế nào nữa không. Công nghệ cảm biến CCD đã được sáng tạo mấy năm trước đó.

“Hầu như không ai biết tôi đang làm về cái này, vì nó không phải là dự án gì lớn lao”, Sasson nói. “Nó cũng chẳng có gì bí mật. Nó chỉ là một dự án để tôi làm việc tạm thời tại đây, tôi đoán thế”.

Anh nhanh chóng đặt mua vài thiết bị và tiến hành đánh giá chúng. Thiết bị bao gồm một cảm biến nhận mẫu ánh sáng 2 chiều và chuyển nó thành tín hiệu điện. Sasson muốn chụp ảnh bằng thiết bị CCD, nhưng nó lại không thể giữ lại hình ảnh do các xung điện tan biến nhanh chóng.

Để lưu giữ hình ảnh, anh quyết định sử dụng một công nghệ mà thời đó vẫn còn là một quá trình tương đối mới – đó là số hóa – biến các xung điện thành các số. Nhưng giải pháp này lại dẫn đến một thách thức khác – lưu hình ảnh trong bộ nhớ RAM, sau đó đưa vào băng từ kỹ thuật số.

Kết quả cuối cùng là một thiết bị Rube Goldberg ra đời với một ống kính lấy từ một chiếc máy ảnh phim Super-8; một máy ghi băng cassette kỹ thuật số xách tay; 16 pin nickel cadmium; một bộ chuyển đổi analog / kỹ thuật số; và vài chục mạch – tất cả kết nối với nhau trên một loạt bảng mạch.

ly-do-that-su-khien-hang-may-anh-my-kodak-pha-san_003
Chiếc máy ảnh số đầu tiên trên thế giới do Steven Sasson sáng tạo ra vào năm 1973, chiếc máy ảnh này là cơ sở cho bản quyền máy ảnh số mà Mỹ cấp vào ngày 26/12/1978

Ngày nay, thiết bị trên thực sự rất kỳ lạ, nhưng hãy nhớ rằng, đó là thời đại trước khi máy tính cá nhân ra đời – chiếc máy tính đầu tiên được bán ra trong năm sau với giá 666.66 USD.

Chỉ riêng máy ảnh đã là một thành tựu lịch sử, nhưng Sasson cần sáng tạo ra một hệ thống có thể tiếp nhận các thông tin kỹ thuật số trên băng cassette và biến nó thành “một cái gì đó có thể nhìn thấy được” trên màn hình TV: đó chính là một hình ảnh kỹ thuật số.

“Đó không chỉ đơn thuần là một chiếc máy ảnh”, Sasson nói. “Đó là một hệ thống nhiếp ảnh minh chứng cho ý tưởng về một chiếc camera hoàn toàn điện tử, không sử dụng phim và không sử dụng giấy, không tiêu dùng bất cứ vật chất gì trong quá trình chụp và vẫn hiển thị ra các hình ảnh.

Chiếc camera và hệ thống chụp ảnh trên chính là khởi đầu cho kỷ nguyên ảnh kỹ thuật số. Nhưng cuộc cách mạng kỹ thuật số không đến một cách dễ dàng tại Kodak.

Các sếp Kodak hững hờ với phát minh mới

“Mọi người cho rằng không ai muốn ngắm nhìn hình ảnh của họ trên một chiếc TV”, Sasson nói.

Anh đã phải chứng minh bằng hàng loạt bài thuyết trình với nhóm các nhà lãnh đạo Kodak, từ các phòng marketing, kỹ thuật, kinh doanh và sau đó đến các trưởng phòng rồi đến các lãnh đạo công ty. Anh đã mang theo chiếc máy ảnh bỏ túi vào các phòng họp và chứng minh toàn bộ hệ thống bằng cách chụp ảnh mọi người trong phòng.

“Chỉ mất 50 milli-giây để chụp ảnh, nhưng mất 23 giây để lưu nó vào băng”, Sasson nói. “Khoảng 30 giây sau, một bức ảnh đen trắng có độ phân giải 100 pixel x 100 pixel xuất hiện”.

Mặc dù chất lượng còn kém, song Sasson nói với các sếp Kodak rằng độ phân giải sẽ sớm cải thiện khi công nghệ phát triển, và nó có thể cạnh tranh trên thị trường tiêu dùng, đánh bật loại máy ảnh phim. Anh thậm chí còn nói về việc gửi ảnh bằng đường dây điện thoại.

ly-do-that-su-khien-hang-may-anh-my-kodak-pha-san_004

Hình ảnh nhãn hiệu với gam màu đỏ, vàng quen thuộc của Kokak. Một thời, nhãn hiệu này xuất hiện khắp nơi nơi

Nhưng câu trả lời của các sếp Kodak rất hờ hững.

“Họ khăng khăng không ai muốn xem hình ảnh trên TV cả”, anh nói. “Công nghệ in đã có từ trên 100 năm, và không ai phàn nàn gì về máy in, ảnh in, chúng lại không đắt đỏ gì, vậy tại sao mọi người lại muốn xem ảnh trên màn hình TV?”

Những ý kiến phản đối chính đến từ bộ phận marketing và kinh doanh. Kodak vốn đã thống trị thị trường nhiếp ảnh Mỹ, kiếm ra tiền từ mỗi sáng tạo, động thái trên thị trường này rồi. Nếu bố mẹ muốn chụp ảnh bữa tiệc sinh nhật của con, họ sẽ phải dùng máy ảnh Kodak, phim Kodak và phụ kiện Kodak. Người dùng cũng phải xử lý ảnh tại một nhà ảnh tối hoặc gửi phim đến Kodak và nhận lại ảnh in được làm bằng công nghệ hóa học Kodak trên giấy Kodak.

Đó là một mô hình kinh doanh quá xuất sắc.

Khi các sếp Kodak hỏi khi nào thì công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số có thể cạnh tranh được, Sasson đã dùng Định luật Moore để giải thích, dự đoán công nghệ số sẽ phát triển nhanh như thế nào. Anh sẽ cần những tấm ảnh đạt độ phân giải 2 triệu pixel để cạnh tranh với loại máy ảnh phim màu, vì thế anh ước tính khoảng 15-20 năm nữa. 18 năm sau đó, Kodak ra đời chiếc máy ảnh tiêu dùng đầu tiên.

“Khi bạn nói chuyện với một nhóm những nhà lãnh đạo về 18 đến 20 nữa trong tương lai, lúc đó chẳng ai trong số những người này còn ở trong công ty, vì thế họ chẳng phấn khích gì về điều đó”, Sasson nói. “Nhưng họ cho phép tôi tiếp tục nghiên cứu về máy ảnh số, công nghệ nén ảnh và thẻ nhớ”.

Chiếc máy ảnh số đầu tiên được cấp bản quyền vào năm 1978. Nhưng Sasson không được phép tiết lộ hay công bố thiết bị mẫu của anh cho bất kỳ ai ngoài Kodak.

Năm 1989, Sasson và một đồng nghiệp, là Robert Hills, đã sáng tạo ra chiếc máy ảnh cơ kỹ thuật số hiện đại đầu tiên (D.S.L.R) có hình dáng và chức năng như những model chuyên nghiệp ngày nay. Nó có cảm biến 1.2 megapixel và dùng công nghệ nén ảnh, thẻ nhớ.

Và cái kết phá sản

Nhưng phòng marketing của Kodak không quan tâm lắm. Sasson nói họ có thể bán nó nhưng không bán – vì nó sẽ ăn lẹm vào doanh số phim máy ảnh của công ty.

ly-do-that-su-khien-hang-may-anh-my-kodak-pha-san_002

Phiên bản máy ảnh số năm 1989, còn gọi là Ecam (Electronic Camera). Đây là cơ sở của bản quyền mà Mỹ cấp ngày 14/5/1991

Tuy nhiên, cho đến khi máy ảnh số hết hạn bản quyền tại Mỹ vào năm 2007, bản quyền này đã mang về hàng tỷ USD cho Kodak – vì Kodak, chứ không phải Sasson là người sở hữu bản quyền này. Hầu hết các nhà sản xuất máy ảnh số đều phải trả phí cho Kodak để sử dụng công nghệ này. Mặc dù Kodak thực sự có bán ra thị trường các mẫu máy ảnh tiêu dùng và máy ảnh chuyên nghiệp, song hãng không thực sự nắm lấy thị trường này cho đến khi quá muộn màng.

Ngày nay, chiếc máy ảnh số đầu tiên mà Sasson làm ra hồi năm 1975 đang được trưng bày ở Viện Bảo tàng Quốc gia Lịch sử Mỹ. Tổng thống Obama đã thưởng cho Sasson Huy chương Công nghệ và Sáng tạo Quốc gia tại một lễ kỷ niệm năm 2009 ở Nhà Trắng.

3 năm sau, vào năm 2011, Eastman Kodak đệ đơn xin phá sản.

Bảo Bình/ICTNews

Chàng trai 19 tuổi tạo dựng công ty tỷ đô chỉ trong 6 tháng

May 12, 2014 Comments off

chang-trai-19-tuoi-tao-dung-cong-ty-ty-do-chi-trong-6-thangJosh Valman là ông chủ của RPD International, doanh nghiệp cho phép các công ty ở mọi quy mô có thể trả trước một khoản cố định để tham gia vào một chuỗi cung ứng linh hoạt, bao gồm các nhà thiết kế, các kỹ sư và các nhà phân phối.

Josh Valman bắt đầu thiết kế robot khi mới lên 10. "Tôi luôn thích lấy mọi thứ ngoài tầm với", cậu lý giải. "Cha tôi là một kỹ sư hóa học. Khi tôi 2 tuổi, ông đã thấy tôi vẽ nghuệch ngoạc lên tất cả các bản vẽ nhà máy của Shell. Tôi đã hiểu về các hệ thống áp lực trước khi tôi thực sự biết cách đọc chúng".

Khi 13 tuổi, Valman gửi khoản tiền tiết kiệm 500 bảng Anh của mình đến Trung Quốc để gia công bản vẽ của mình thành các sản phẩm thực tế. "Chúng được gia công theo thông số kỹ thuật của tôi", cậu nói. "Tôi đã tạo nên con robot đầu tiên của mình và không hề xem lại kể từ đó".

Đây chính là bước khởi đầu đánh dấu tình yêu của Valman với kỹ thuật. Cậu bắt đầu làm việc như một nhà tư vấn tự do cho các công ty đa quốc gia khi chỉ mới 15 tuổi. "Tôi vẫn đến trường và dự họp qua điện thoại từ Trung Quốc", cậu nhớ lại.

"Không ai biết tôi bao nhiêu tuổi. Công việc vẫn tiếp tục cho đến khi tôi kiếm được 10.000 bảng một tuần". Hiện tại, nhà thiết kế sản phẩm này chỉ mới 19 tuổi, và vừa chốt khoản tiền đầu tư 250.000 bảng sau khi công ty của cậu được định giá hơn 1 tỷ bảng, chỉ 6 tháng sau ngày ra mắt.

(Xem thêm: Các triệu phú tuổi teen đáng ngưỡng mộ)

Chàng trai tuổi teen này hiện là ông chủ của RPF International, startup cung cấp dịch vụ cho phép các công ty đủ mọi quy mô có thể trả trước khoản tiền cố định để tham gia vào chuỗi cung ứng linh hoạt, bao gồm các nhà thiết kế, các kỹ sư, và các nhà phân phối.

"Chúng tôi có thể giúp bất cứ công ty nào muốn tạo ra bất cứ sản phẩm nào. Một công ty 6 người có thể cung ứng như một công ty 2000 người", Valman cho biết.

RPD hiện có 46 nhân viên trên toàn cầu, và doanh thu sẽ đạt mốc 7 con số vào năm tài chính 2014 này. "Chúng tôi hiện đang tăng trưởng hàng tháng với tốc độ 50%", Valman cho biết. Khách hàng của công ty hiện có hãng quảng cáo Karmarama và Matrix APA, đơn vị chuyên thiết kế phụ kiện cho các nhà bán lẻ lớn như Topshop.

"Tôi nhận được 10.000 bảng ngay trước khi khóa học A-level của mình bắt đầu", Valman nhớ lại. "Tôi đã bay đến Gibraltar để nhận bàn giao séc từ nhà đầu tư và soạn bài cho môn học của mình ngay trên chuyến bay trở về".

Doanh nhân trẻ tuổi này vẫn luôn thích thú tìm tòi và làm việc như một kỹ sư ở công ty vào các ngày chủ nhật. "Tôi luôn bị cuốn hút vào việc giải quyết các vấn đề", cậu nói.

>> Triệu phú tuổi teen của Yahoo muốn học Triết

Kiều Anh

Theo Trí Thức Trẻ/The Telegraph

Bí quyết của Google

April 9, 2013 Comments off

Thành công của Google có được là đến từ sự đổi mới không ngừng và thực hành quản lý xuất sắc.

Tháng 3 là tháng tốt lành với Google. Giá trị vốn hóa của tập đoàn này trên thị trường chứng khoán đạt 260 tỉ usd, gần gấp đôi giá trị tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam năm 2102.

Google-Earth-Images-HD-Wallpaper-1080x675 Kể từ khi phát hành ra công chúng lần đầu năm 2004, giá trị vốn hóa của Google đã tăng hơn 9 lần. Thành công của Google có được là từ sự đổi mới không ngừng và thực hành quản lý xuất sắc.

Google không phải là doanh nghiệp quá khổng lồ. Nhân viên của Hãng chỉ khoảng 50.000 người (tính cả 20.000 lao động của Motorola Mobility mới mua lại). Xét về quy mô, Google nhỏ hơn nhiều so với Apple (72.800 nhân viên) hay Microsoft (94.000 nhân viên).

Tuy nhiên, việc ban lãnh đạo Google đầu tư và chăm sóc nguồn lực này đáng để các doanh doanh nghiệp khác lưu tâm. Laszlo Bock, Phó Chủ tịch phụ trách mảng hoạt động nhân viên của Google, chia sẻ Hãng luôn cố gắng tạo ra những điểm sinh hoạt chung mà mọi người đều có thể dễ dàng kết nối với nhau.

Tự do đưa ra ý tưởng

Google Café là nơi nhân viên được khuyến khích gặp gỡ, trao đổi chuyện trò và chia sẻ quan điểm của mình về công việc cũng như cuộc sống. Không như một số doanh nghiệp khác, Google không coi việc nhân viên uống cà phê tán dóc là một việc làm gây lãng phí và giảm hiệu suất lao động. Ngược lại, họ coi việc nhân viên có thể chia sẻ với nhau là một điểm quan trọng nếu không nói là mấu chốt trong hoạch định.

Ở Google, tất cả nhân viên đều có thể gửi mail cho ban quản trị. Một cuộc họp được tổ chức vào thứ Sáu hằng tuần mang tên Ơn Chúa, Thứ Sáu rồi (TGIF – Thank God It’s Friday) là một trong những sự kiện được mong chờ nhất. Trong cuộc họp này, người đứng đầu hệ thống sẽ trao đổi với tất cả nhân viên về các vấn đề xảy ra trong tuần tại Công ty và tất nhiên nhân viên được khuyến khích trao đổi ý kiến về bất cứ vấn đề gì họ quan tâm.

Tập trung vào nhân viên thay vì lãnh đạo

Tại Google, người ta cũng tích cực phát triển các công cụ như Moderator, quản lý các cuộc họp hay trao đổi công nghệ. Thông qua Moderator, nhân viên bất kỳ có thể đưa ra câu hỏi trước khi tổ chức một sự kiện nào đó và bỏ phiếu chọn câu hỏi mà theo họ là thú vị và sắc sảo nhất. Như vậy khi sự kiện diễn ra, nội dung của nó đã được đóng góp và xây dựng bởi mọi người. Moderator là một phần của dự án 20%, trong đó kỹ sư của Google được phép dành 20% thời gian làm việc của mình để tham gia vào các dự án họ thấy thú vị. Đây chính là mấu chốt phát triển sản phẩm, dịch vụ mới một cách thành công: ai cũng muốn làm và sẵn lòng làm việc chăm chỉ vì điều mà họ ham thích. Thực tế đã chứng minh ý tưởng này là một thành công lớn, khi các dự án hàng đầu của Google như Gmail, Google Earth hay Orkut chính là thành quả sáng tạo của dự án 20%.

Ở cấp cao hơn, như cấp độ nhóm, Google tổ chức một hoạt động gọi là “hackathons”. Hoạt động này kéo dài 24 giờ liên tục và chỉ tập trung vào một vấn đề mà cả nhóm quan tâm.

Google thường xuyên phỏng vấn nhân viên quản lý và dựa trên các thông tin này để đánh giá năng lực của họ. Nhà quản lý tốt nhất sẽ trở thành hình mẫu cho các nhà quản lý khác và đồng thời là người dạy kỹ năng quản lý trong năm tiếp theo. Các nhà quản lý nhận được nhiều phàn nàn nhất sẽ phải tham gia các khóa huấn luyện tăng cường năng lực và 75% số này được nhân viên đánh giá có tiến bộ hơn. 80% nhà lãnh đạo “dở” cũng cho thấy tiến bộ rõ rệt khi tham gia dự án khác. Thay vì tập trung vào nhà lãnh đạo, Google tập trung vào nhân viên và việc thay đổi cục diện này giúp nhân viên tự tin làm tốt hơn công việc của mình.

Công ty của nhân viên

Bock cho biết trong cuộc điều tra ở quy mô toàn công ty mang tên Googlegeist, nhân viên được trưng cầu ý kiến trên hàng trăm vấn đề. Sau đó Công ty tuyển mộ đội ngũ tình nguyện viên để tham gia giải quyết các vấn đề nan giải nhất.

“Tôi cho rằng văn hóa công ty chính là cái nhìn sâu sắc về tình trạng của con người (tại nơi làm việc). Mọi người tìm kiếm ý nghĩa trong công việc của họ. Họ cũng muốn biết những gì đang xảy ra quanh mình. Họ muốn tham gia thay đổi môi trường đó”, Bock nhận xét.

Làm sao để biết nhân viên được tự do sáng tạo và tư duy, nhưng họ tập trung vào mục tiêu lớn của mình và của Google, chứ không lãng phí thời gian và la cà ngoài công việc? Để trả lời câu hỏi này, Google cho biết họ không quản lý nhân viên theo thời gian mà theo chất lượng đầu ra của công việc. Mỗi nhân viên tự ý thức họ có mục tiêu gì trong công việc và làm gì để đạt mục tiêu này. Mỗi quý, Google đánh giá xem Hãng đạt mục tiêu quý chưa và các thành viên công ty cũng vậy. Ngoài ra, không thể bỏ qua chi tiết: Google là một điểm hội tụ của nhân tài, nơi những người thông minh nhất, giỏi giang nhất nộp đơn, không phải chỉ để làm việc mà còn để được tự do sáng tạo và được ghi nhận.

(Tổng hợp)