Archive

Posts Tagged ‘Rockefeller’

8 gia đình giàu nhất nước Mỹ

May 20, 2014 Comments off

Thế kỷ XX là thời điểm vàng xuất hiện rất nhiều gia đình tỷ phú mà quyền lực của họ vẫn còn kéo dài đến tận ngày nay. Phần lớn các gia đình này đều khởi đầu từ một gia đình nhập cư nhỏ sống ở nhiều vùng khác nhau của nước Mỹ. Bằng nỗ lực của nhiều thế hệ, họ là minh chứng cho giấc mơ Mỹ nổi tiếng thế giới.

1. Gia đình Trump-Kushner

Một trong những ông trùm của ngành bất động sản ngày nay, Donald Trump khởi nghiệp như một nhà đầu tư bất động sản. Kế nghiệp công ty của cha mình, Trump đã lèo lái để vượt qua thời kỳ khủng hoảng và tạo dựng nên sự nghiệp thành công của riêng mình. Bên cạnh kinh doanh, công chúng Mỹ còn biết đến ông qua chương trình truyền hình thực tế "The Apprentice".

23-the-trump-kushner-familyIvanka, con gái của Trump cũng chứng minh sự sắc sảo của mình trong kinh doanh. Theo Forbes, gần đây cô đã mua lại được resort The Doral và sân golf Blue Monster ở Miami với giá 150 triệu USD và chi gần 200 triệu USD để nâng cấp chúng. Ivanka hiện đang sở hữu một nhãn hiệu trang sức, nước hoa và giày riêng.

Chồng của Ivanka là doanh nhân Jared Kushner hiện đang điều hành công ty bất động sản của gia đình Kushner, đồng thời là sáng lập của quỹ đầu tư Thrive Capital và sở hữu tờ The New York Observer.

Cô bé hai tuổi Arabella Kushner và cậu nhóc 6 tháng tuổi, con của cặp đôi này được ước đoán sẽ nhận được một khối thừa kế khổng lồ khi Donald Trump có tổng tài sản ròng hiện tại là 3,9 tỷ USD, tài sản của Ivanka là 159 triệu USD và của Jared là 200 triệu USD.

2. Gia đình Ford

Henry Ford sáng lập ra công ty Ford vào năm 1903, và nhà Ford là gia đình đầu tiên ở nước Mỹ thành danh trong ngành công nghiệp sản xuất xe hơi. Edsel, con trai duy nhất của Ford đã tiếp quả công ty vào năm 1919, mang đến những cải tiến trong thiết kế đã tạo nên tiếng vang cho nhãn hiệu xe này.

21-the-ford-familyCon trai của Edsel là Henry II đảm nhận công ty Ford vào năm 1943 và hồi sinh lại công ty sau Thế chiến 2. Ngày nay, công ty này vẫn do gia đình Ford điều hành. Edsel II, con trai của Henry II, là thành viên Hội đồng quản trị. Elena, cháu gái của Henry II giữ chức Phó Chủ tịch HĐQT. Và cháu trai của Edsel Ford là Chủ tịch HĐQT, CEO trực tiếp điều hành công ty.

Tổng giá trị cổ phiếu của gia đình Ford trị giá 1,2 tỷ USD.

3. Gia đình Mellon

Gia đình Mellons nhập cư từ Ailen sang Pittsburgh, Pennsylvania. Gia đình này hiện sở hữu các công ty lớn có thể kể đến như Ngân hàng Mellon New York, Công ty Chevron, Công ty sản xuất Aluminum của Mỹ (ALCOA), và Hãng đóng tàu New York.

19-the-mellon-familySự nghiệp của gia đình Mellon bắt đầu khi Judge Thomas Mellon sáng lập ra công ty T. Mellon & Sons năm 1869, tiền thân của Ngân hàng Mellon New York hiện thời. Hai con trai của ông là Andrew và Richard sau đó đảm trách công việc kinh doanh của gia đình và nâng tổng tài sản lên rất nhiều lần.

Andrew xây dựng Union Stell, sau này sáp nhập với U.S. Steel trở thành công ty thép lớn nhất thế giới, trong khi Richard đầu tư vào aluminum và dầu mỏ.

Thế hệ tiếp theo của họ tiếp tục quản lý khối gia sản của gia đình và đóng góp cho hoạt động từ thiện. Con gái Alisa của Andrew là một nhà hoạt động xã hội và bảo trợ nghệ thuật. Cháu gái của Richard, Cordelia Scaife tham gia hoạt động xã hội trong khi cháu trai của ông đang sở hữu tờ Pittsburgh Tribune – Review và đài phát thanh Pennsylvania.

4. Gia đình Rockefeller

Gia đình Rockefellers là một thành trì trong ngành công nghiệp và ngân hàng Mỹ. Mặc dù một số gia đình thuộc dòng họ Rockefeller đã mất đi vị thế nhưng họ vẫn duy trì được đế chế rộng lớn của mình. Gần đây, một vài thành viên của gia đình bắt đầu tham gia vào đấu trường chính trị.

14-the-rockefeller-familyGia đình Rockefellers nhập cư vào Mỹ từ nước Đức vào khoảng năm 1720. Ban đầu John D. Rockefeller thành lập nên ngành công nghiệp sản xuất cung ứng cho phe Liên minh trong cuộc nội chiến.

Sau chiến tranh, ông  sáng lập công ty dầu hỏa Standard vào năm 1870 với 1 triệu USD vốn và biến nó thành công ty lớn nhất nước vào thời điểm đó. John D. cũng đã đầu tư vào các dự án bất động sản lớn tại thành phố New York, nơi ông sống với gia đình của mình.

Con trai của John D. là John Jr. đã đầu tư vào ngành bất động sản, về sau trở thành đối tác chính của Ngân hàng Chase. Con trai của John Jr là Nelson đã chọn tham gia vào lĩnh vực chính trị, với chức vụ Thống đốc New York từ năm 1973 và giữ nguyên vị trí của mình trong suốt 4 nhiệm kỳ.

5. Gia đình Lauder

Estée Lauder xây dựng đế chế mỹ phẩm từ hai bàn tay trắng cho đến khi hãng mỹ phẩm này thu hút được vài triệu khách hàng trung thành trên khắp thế giới.

Estée Lauder là con của một gia đình nhập cư tại Queens, New York. Cô bắt đầu sản xuất ra sản phẩm trang điểm của riêng mình và bán chúng ở các tiệm làm tóc địa phương. Với sự hỗ trợ tài chính từ cha của mình, Estée đã mở ra công ty mỹ phẩm Estée Lauder tại Manhattan vào giữa thập niên 1940.

Chồng của bà là Joe đã giúp bà điều hành công việc kinh doanh, và hai con trai của họ là Leonard và Ronald cũng tham gia công ty của gia đình. Ngày nay, công ty vẫn được điều hành bởi con cháu của Lauder.

7-the-lauder-familyLeonard là Chủ tịch danh dự của công ty Estée Lauder. Con trai của ông, William đang là Chủ tịch điều hành công ty.

Ronald là Chủ tịch của Clinique trong khi hai người con gái của ông là Jane và Aerin cũng giữ vị trí quyền lực trong công ty gia đình hoạt động. Tài sản của Leonard hiện vào khoảng 8,1 tỷ USD và của Ronald là 3,8 tỷ USD.

6. Gia đình Lauren

Phạm vi hoạt động của các thành viên trong gia đình Lauren mở rộng khắp lĩnh vực bán lẻ, hoạt động xã hội, phim ảnh và mỗi người đều mang theo cái tên Lauren cho mỗi nhãn hiệu của mình.

Ralph Lauren là thành viên trong gia đình nhập cư sống ở Bronx, New York. Ông khởi nghiệp bằng việc tái thiết kế lại mẫu cà vạt đang thịnh hành tại New York trong thời gian làm thêm buổi tối. Mẫu thiết kế thành công giúp ông mở rộng công việc kinh doanh thời trang của mình với biểu tượng nổi tiếng Polo.

10-the-lauren-family-1Ralph kết hôn với Ricky Anne Loew-Beer và có hai người con trai là Andrew và David, cùng một cô con gái là Dylan. David là người con duy nhất nối nghiệp cha mình. Hiện David là Phó Chủ tịch điều hành quảng cáo, marketing và quan hệ truyền thông tại Ralph Lauren. David đã kết hôn với cháu của tổng thống George W.Bush là Lauren Bush.

Ralph hiện thời 74 tuổi và tổng tài sản của ông được ước lượng vào khoảng 6,9 tỷ USD.

7. Gia đình Vanderbilt

Gia đình Vanderbilts là một trong những gia đình tài chính lâu đời nhất nước Mỹ. Gia đình này gốc Hà Lan, và nổi lên trong kỳ vàng son trong những thập kỷ cuối cùng của thế kỷ 19.

Cornelius Vanderbilt sinh năm 1794. Từ nhỏ, ông đã làm việc tại hãng đóng tàu của cha và xây dựng nó thành một đế chế đóng tàu lớn. Về sau, ông cùng con cháu của mình đã mở rộng lĩnh vực kinh doanh sang các ngành công nghiệp khác, trong đó có cả đường sắt.

10-cornelius-vanderbiltCon trai của Cornelius là Billy thừa kế 95% sản nghiệp của cha và tiếp tục đầu tư vào ngành công nghiệp đường sắt. Đóng góp của ông có thể kể đến là Nhà ga trung tâm của New York và các tuyến đường mở rộng về Trung Tây của Mỹ.

Sau Billy, các thế hệ sau của nhà Vanderbilts dường như hứng thú với đầu tư bất động sản hơn là đường sắt.

Tổng giá trị tài sản của Gloria Vanderbilt, con gái của Cornelius vào khoảng 200 triệu USD, trong khi con trai của cô kiếm được khoảng 11 triệu USD mỗi năm.

8. Gia đình Walton

Trong suốt thời gian xây dựng sản nghiệp, gia đình Walton giàu nhất nước Mỹ luôn tuân thủ một nguyên tắc cung ứng sản phẩm với “Mức giá rẻ nhất bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu”.

Sam Walton và người anh em của mình là Bud mở cửa hàng đầu tiên vào năm 1945 tại Newport, Arkansas. Đến năm 1962, hệ thống Walmart thật sự thành hình tại Rogers, Arkansas và dần trở thành gã khổng lồ trong ngành công nghiệp bán lẻ của thế giới.

Jim Walton con trai út của Sam có tổng tài sản vào khoảng 36,8 tỷ USD, là một trong 10 tỷ phú giàu nhất thế giới theo danh sách của tạp chí Forbes. Jim hiện là Giám đốc điều hành Ngân hàng Arvest của Waltons. Ngân hàng này có giá trị 1,8 tỷ USD.

1330418243Chị gái của Jim là Alice có tổng tài sản trị giá 36,4 tỷ USD. Và cô đầu tư vào Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Crystal Bridges ở Bentonville (Arkansas).

Con gái của Bud là Ann Walton Kroenke kết hôn với Stan Kroenke, người sở hữu Kroenke Sports Enterprises, trong đó bao gồm các đội tại NBA, NHL, NFL và Major League Soccer.

Tổng giá trị tài sản của gia đình Walton gồm Christy, Jim, Alice, và S. Robson Walton vào khoảng 136 tỷ USD. Gia đình này có 4 thành viên thuộc danh sách 10 tỷ phú giàu nhất nước Mỹ do tạp chí Forbes bình chọn.

LÂM NGHI

Giải mã bí quyết làm giàu của ‘Vua dầu mỏ’ Rockefeller

July 12, 2013 Comments off

Gương mặt huyền thoại này làm giàu như thế nào?

Nếu điều chỉnh theo tỉ lệ trượt giá, tài sản mà tỉ phú huyền thoại John Davison Rockefeller tích cóp được là nhiều nhất mọi thời. Trước và sau ông vẫn không có người nào trên thế giới giàu bằng ông! Cho đến khi mất năm 1937, giá trị tài sản của trùm dầu hỏa Rockefeller là 1,4 tỉ USD trong khi GDP Mỹ thời điểm đó là 92 tỉ USD (tức bằng 1/65 GDP quốc gia; so với 1/152 GDP của Bill Gates vào thời điểm hoàng kim năm 2006). Điều đáng nói là Rockefeller đã tạo dựng sự nghiệp từ tay trắng. Vậy gương mặt huyền thoại này làm giàu như thế nào?

Khi còn trẻ, John Davison Rockefeller kể rằng ông có hai tham vọng: kiếm được 100.000USD và sống đến 100 tuổi. Ông chết ngày 23-5-1937, chỉ 26 tháng trước sinh nhật lần thứ 100; và giá trị tài sản mà ông sở hữu là 1,4 tỉ USD. Sinh ngày 8-7-1839 tại Richford (gần Oswego, New York), Rockefeller trưởng thành trong gia đình nền nếp, nguyên tắc và kỷ luật; với đức tính cần kiệm là chuẩn sống luôn được nhắc nhở và đề cao.

John_D_Rockefeller_aged_18 John Davison Rockefeller năm 18 tuổi

Dòng họ Rockefeller không là dân Mỹ gốc. Thoạt đầu họ là những người thuộc dòng tộc Rochefeuille hoặc Rocquefeuille – theo các nhà phả hệ học – đến Mỹ năm 1720 từ vùng gần Coblenz bên bờ sông Rhine, sau khi từ bỏ làng quê tại tỉnh Languedoc (Nam nước Pháp). Bố Rockefeller là ông William, kiếm sống bằng nghề “lang vườn”, thỉnh thoảng buôn bán lặt vặt; và mẹ ông là Eliza Davison, chỉ là người nội trợ bình thường. Tuy nhiên, chính những người “ít ăn, ít học” đôi khi lại là những người biết cách dạy con tốt nhất.

Sau này, Rockefeller kể rằng, mình học những bài vỡ lòng về kinh doanh và thương trường từ bố ngay khi vừa biết nói và biết đi; và học được cách sống cần kiệm từ bà mẹ giỏi vun vén, người sẵn sàng dùng “cán chổi” để bắt con cái phải biết làm việc siêng năng, biết sống chia sẻ, và “biết làm người”. Tất cả trải nghiệm đầu đời về kinh doanh đã được kể trong quyển Random Reminiscences of Men and Events (Những tản mạn về người và việc), quyển sách duy nhất mà Rockefeller viết và ấn hành.

“Năm tôi 7 hoặc 8 tuổi gì đó” – Rockefeller kể: “Tôi bắt đầu những “thương vụ” đầu tiên với sự giúp đỡ của mẹ. Tôi có vài con gà tây được mẹ giúp nuôi. Tôi chăm sóc chúng rồi bán. Tiền thu được chẳng tiêu gì cả và tôi giữ lại rất cẩn thận”. Chuyện kể thêm rằng, chẳng phải tự nhiên Rockefeller được mẹ cho không đàn gà. Có lần, chúng đi lạc mất vài ngày và mẹ hứa với Rockefeller rằng cậu sẽ được “toàn quyền sở hữu” chúng nếu chịu khó bỏ công tìm lại được…

Đóng góp từ thiện hào phóng vào những năm sau này khi đã trở thành người giàu nhất thế giới của Rockefeller cũng bắt đầu từ văn hóa giáo dục gia đình. Từ thuở thiếu thời, Rockefeller đã quen và thuộc nằm lòng những bài “nhật tụng” của bố mẹ về đạo đức và tinh thần hiếu học. Không chỉ nói suông, họ còn thực hành bằng cách dạy bọn trẻ làm những món quà nho nhỏ cho nhà thờ để tặng người nghèo.

Dưới sự hướng dẫn của bố, cậu bé Rockefeller còn lập cả những quyển sổ ghi chép lại cẩn thận từng đồng được cho, cũng như từng xu cậu tiêu xài. Một trong những quyển như vậy còn được giữ lại, Ledger A (Tập sổ cái A), cho thấy Rockefeller đã tẩn mẩn ghi lại mọi khoản chi tiêu, trong đó có nhiều phần được ghi chú là “làm từ thiện”.

Tìm được quyển tập nhỏ vào 25 năm sau trong đống giấy tờ cũ, Rockefeller nhớ lại cách sống cần kiệm thời ấu thơ, như những hồi ức đẹp đẽ về nền tảng giá trị giáo dục gia đình. Ledger A cho thấy cậu trai nhỏ Rockefeller đã tặng 1 xu cho lớp giáo lý vào mỗi Chủ nhật; và trong một tháng, có những đoạn ghi việc tặng 10 xu cho các giáo đoàn nước ngoài; 50 xu cho giáo đoàn Mite Society; 12 xu cho giáo đoàn Five Points tại New York; 35 xu cho thầy dạy giáo lý; 10 xu cho người nghèo trong giáo xứ…

Kể lại trong Random Reminiscences of Men and Events, Rockefeller cho biết: “Chúng tôi luôn được khuyến khích phải sống tự lập”. Rockefeller bắt đầu khám phá bí quyết việc kiếm tiền năm 14 tuổi. Tiết kiệm được 50USD từ việc bán gà tây và từ tiền công được trả cho những việc lặt vặt mà các bà hàng xóm thuê (chẳng hạn đào khoai tây với tiền công 1,12USD trong 3 ngày), Rockefeller bắt đầu cho vay với “lãi suất” 7%…!

Khởi nghiệp

Năm 1853, gia đình Rockefeller dọn đến một nông trại gần Cleveland (bang Ohio). Thời điểm đó, gia đình còn “hoàn cảnh” đến mức dù bố ao ước cho Rockefeller vào đại học nhưng vẫn không thể. Tuy nhiên, Rockefeller không chịu an phận với viễn cảnh mịt mù trở thành anh nông dân quanh năm chỉ biết đàn gà hay đụn cỏ. Bỏ ngang trung học, cậu theo học khóa kế toán sơ cấp ngắn hạn từ một trường đại học cộng đồng. Năm 15 tuổi, Rockefeller làm việc cho một nhà thờ. Lúc đó, nhà thờ đang trong giai đoạn khủng hoảng tài chính. Thế là Rockefeller phải đứng trước cổng xin tiền giáo dân mỗi sáng Chủ nhật để gây quỹ giúp nhà thờ trả nợ.

Ngày 26/9/1855, ở tuổi 16, sau nhiều ngày lặn lội xin việc từ sáng sớm đến chạng vạng, ở thời điểm nước Mỹ trong tình trạng kinh tế khó khăn, Rockefeller lần đầu tiên được nhận làm việc. Đó là thời khắc bước ngoặt làm thay đổi cuộc đời Rockefeller (sau này, khi đã có trong tay tiền muôn bạc vạn, ông kỷ niệm ngày 26-9 hàng năm bằng các buổi tiệc hoành tráng hơn cả tiệc sinh nhật mình). Công ty nhận Rockefeller vào làm là hãng buôn Hewitt & Tuttle tại Cleveland. Thoạt đầu, Rockefeller làm thư ký bàn giấy kiêm trợ lý kế toán. Mãi cho đến ngày 1/1/1856, Rockefeller mới được trả lương.

2 Gia đình Rockefeller

Cuốn sổ Ledger A cho biết Rockefeller được trả 50USD cho hơn ba tháng làm việc và ông phải chi cho tiền thuê nhà, tiền giặt ủi, cũng như “25 xu cho một ông cụ nghèo” và “50 xu cho một bà cơ nhỡ”. Ledger A cho biết thêm, từ 24-11-1855 đến tháng 4 năm sau, Rockefeller chi 9USD cho quần áo và làm từ thiện 5,58USD. Cặm cụi làm cho Hewitt & Tuttle, cuối cùng Rockefeller bắt đầu “lên chức” kế toán chính thức, được trả 500USD/năm; rồi 700USD sau một năm nữa. Đòi 800USD nhưng bị từ chối, Rockefeller quyết định nghỉ việc.

Học được các thủ thuật điều hành cũng như những ngóc ngách làm ăn trong vài năm làm cho Hewitt & Tuttle, năm 1858, ở tuổi 19, Rockefeller bắt đầu lập doanh nghiệp riêng, với phần hùn của Maurice B. Clark (mỗi người góp vốn 2.000USD). Rockefeller chỉ có 1.000USD và phải vay phần còn lại từ bố với mức lãi 10%. Công ty Clark & Rockefeller ra đời và thành công gần như ngay từ vạch xuất phát. Rockefeller tiếp tục mở rộng doanh nghiệp bằng cách vay khắp nơi.

Sự nổi tiếng về tinh thần tiết kiệm cũng như tư duy chia sẻ cộng đồng đã giúp ông tạo được niềm tin từ các ngân hàng. Rockefeller tổ chức điều hành doanh nghiệp cực kỳ hiệu quả, bén nhạy trong cạnh tranh và tinh quái trong giao dịch. Tuy nhiên, ông vẫn sống cần kiệm và đơn giản. Gần như tất cả đồng lời nào có cũng được tích cóp và sử dụng cho mục đích tái đầu tư.

Vì thế, Rockefeller gần như có đủ vũ khí cần thiết để nắm bắt cơ hội và đánh những trận quyết liệt vào công nghiệp dầu, khi dầu hỏa được phát hiện tại Pennsylvania năm 1859. Năm 1862, Rockefeller bắt đầu bước vào lĩnh vực dầu, sau khi bỏ ra nhiều đêm nghiên cứu tường tận mọi khả năng, cơ hội lẫn rủi ro. Cùng Maurice B. Clark, Rockefeller đầu tư vào nhà máy lọc dầu của Samuel Andrews. Thế là công ty khai thác – kinh doanh dầu Andrews, Clark & Co ra đời (lúc đó, Rockefeller còn trẻ và không có tên tuổi trong công nghiệp dầu nên tên công ty không có tên ông).

Năm 1863, Andrews, Clark & Co xây một nhà máy lọc nhỏ trên bờ sông Kingsbury Run, gần Cleveland. Thời điểm này, công nghiệp dầu còn chập chững và đầy tính rủi ro nên chẳng lạ gì khi có nhiều ý kiến hoài nghi về khả năng thành công và rằng chắc hẳn Andrews, Clark & Co không đủ sức đi xa. Lời đồn đoán, thật không may, lại thành sự thật. Công ty bị giải thể và phải bán đấu giá nhà máy. Phần mình, Rockefeller vẫn không lùi bước. Ông quyết định mua lại nhà máy với giá 72.500USD (mà hầu hết trong khoản trên đều đi vay). Đổi tên thành Rockefeller & Andrews, Rockefeller tái tổ chức hoạt động kinh doanh. Năm 1867, Rockefeller & Andrews mua thêm một nhà máy lọc dầu… Đây là thương vụ đầu tiên trong loạt thương vụ sáp nhập mà Rockefeller “càn quét” lĩnh vực công nghiệp dầu nước Mỹ để cuối cùng tạo ra đại Công ty Standard Oil vào năm 1870, khi ông mới 31 tuổi!

Lên ngai vàng

Đến trước năm 1872, gần như tất cả công ty lọc dầu tại Cleveland (Ohio) đều bị Standard Oil mua đứt. Chỉ trong 2 tháng năm 1872, Standard Oil thâu tóm đến 22 trong 26 đối thủ tại Cleveland! Standard Oil bắt đầu trở thành hãng dầu khổng lồ với số vốn 2,5 triệu USD.

Không lâu sau, Standard Oil đã có thể lọc được 29.000 thùng dầu thô/ngày. Tập đoàn còn sở hữu nhiều tàu dầu với tải trọng hàng trăm ngàn thùng; nhiều nhà kho và vô số nhà máy sản xuất sản phẩm hóa dầu. Tất cả tài sản trên được nhập vào Standard Oil Trust năm 1882 với số vốn lên đến 70 triệu USD rồi tăng lên 95 triệu USD… Standard Oil trở thành con khủng long trong làng công nghiệp dầu thế giới, với sự phát triển cực nhanh mà chẳng đối thủ nào địch lại. Với sự có mặt của Standard Oil, vùng Cleveland lật đổ vị trí số một của Pittsburgh để trở thành trung tâm lọc dầu lớn nhất nước Mỹ. Và rồi loạt nhà máy lọc dầu tại Philadelphia, New York, New Jersey, New England, Pennsylvania cũng như West Virginia cũng lần lượt trở thành công ty con của Standard Oil.

Năm 1882, khi 43 tuổi, Rockefeller lập ra Standard Oil Trust và giữ cổ phiếu tất cả công ty trực thuộc. Báo chí Mỹ liên tục nói về sự bành trướng không mệt mỏi của Rockefeller. Người ta nói mỗi sáng thức dậy, tài sản Rockefeller lại phình to hơn, và khi ông đang đánh răng thì cổ phiếu Standard Oil cũng tăng từng giây! Ông tạo ra một hình thái doanh nghiệp mới mà sức mạnh và ảnh hưởng của nó lên nền kinh tế Mỹ còn đáng gờm hơn cả ngân hàng lớn nhất nước Mỹ.

biem_hoa_Rockefeller John Davison Rockefeller được thể hiện như một ông hoàng công nghiệp trong biếm họa trên tạp chí Puck (1901).

Standard Oil đánh dấu sự khởi đầu một kỷ nguyên độc quyền công nghiệp thời hiện đại, khi họ không chỉ nắm các nhà máy lọc dầu mà còn cai quản cả hệ thống phân phối, tiếp thị… Standard Oil thậm chí xây hệ thống ống dẫn riêng, sở hữu các tàu vận chuyển, xe bồn, lập cầu cảng, nhà kho và bãi chứa riêng. Đó là chưa kể họ mua đứt cả nhiều khu rừng. Họ thuê khoa học gia thí nghiệm và sản xuất các sản phẩm hóa dầu… Cái tên Rockefeller lan rộng khắp thế giới. Nhân viên và đại diện của ông có mặt tại hầu hết hải cảng toàn cầu. Từ dầu, Rockefeller bắt đầu mở rộng sang nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt sắt thép, hỏa xa và tàu biển…

Thời đỉnh cao sự nghiệp, Rockefeller trực tiếp điều hành toàn bộ hoạt động của 33 công ty dầu và gián tiếp chỉ đạo kinh doanh cho hàng trăm công ty khác với số nhân viên lên đến hàng trăm ngàn người. Rockefeller trở thành người giàu nhất thế giới. Vừa nể vừa sợ, người ta bắt đầu nhìn ông như một mối đe dọa và gọi Standard Oil là một quái vật bạch tuộc khổng lồ vươn vòi thâu tóm và thao túng hệ thống kinh tế Mỹ.

Chiến dịch chống độc quyền bắt đầu hình thành với mục tiêu hạ gục Standard Oil. Viết loạt bài trên tạp chí McClure năm 1902 rồi với The History of the Standard Oil Company (quyển sách tạo ảnh hưởng cực mạnh và từng nằm hạng 5 danh sách 100 tác phẩm báo chí nổi bật nhất thế kỷ XX của New York Times năm 1999), nhà báo điều tra Ida M. Tarbell (1857-1944) đã tấn công phương pháp kinh doanh và hoạt động tài chính của Standard Oil Trust. Rockefeller bị buộc tội chèn ép đối thủ bằng đủ thủ đoạn có thể, từ việc thuê và hối lộ để rình mò các công ty cạnh tranh, đến việc thực hiện đàm phán bí mật như kiểu dàn xếp “phải quấy” sặc mùi mafia. Nói tóm lại, Rockefeller bị kết tội làm giàu từ xương máu kẻ khác. Trên bước đường kinh doanh,

Rockefeller sẵn sàng nghiền nát mọi vật cản. Ông cười hả hê mãn nguyện từ những giọt nước mắt đau khổ của các nạn nhân… Cần biết thêm, sở dĩ Ida M. Tarbell “đánh” Rockefeller là bởi bố bà chính là một trong những người được xem là nạn nhân của Standard Oil khi bị tập đoàn này đánh bật khỏi Hãng dầu South Improvement Co!

Bất luận thế nào, John Davison Rockefeller cũng được nhìn nhận như một thiên tài kiệt xuất về kinh doanh. Bên cạnh những chỉ trích chua cay, cũng có vô số quyển sách viết về triết lý kinh doanh và những bài học kinh nghiệm của Rockefeller. Thế hệ hậu sinh vẫn xem Rockefeller như một thần tượng mang màu sắc huyền thoại…

“Giã từ vũ khí”

Khi bị báo chí tấn công, Rockefeller bác bỏ tất cả cáo buộc. Ông khẳng định Standard Oil là tập đoàn làm ăn đàng hoàng và rằng ông kiếm tiền một cách trung thực và đầy danh dự.

Ở thời mà tài nguyên được khai thác manh mún không hiệu quả, ông nói, thì việc sáp nhập trong công nghiệp là điều cần thiết. Ông nói mình tự hào trước những thành công trong khi nhiều kẻ khác thất bại trong một ngành công nghiệp nguy hiểm và đầy rủi ro như dầu, rằng ông hãnh diện khi có thể nói chưa hề có “giọt nước” nào nổi váng trong biển dầu cổ phiếu của Standard Oil.

Tau_cho_dau_Standard_Oil Một tàu chở dầu của Standard Oil

Phủ nhận việc chơi ép để buộc đối thủ quy phục dưới trướng, Rockefeller nói rằng, tất cả họ đều vui vẻ tham gia bởi họ hiểu rằng việc sáp nhập vào Standard Oil chỉ giúp họ trở nên giàu có, hơn là một mình một ngựa chạy đua với Standard Oil để rồi trở thành kẻ thất bại ra về tay không. Bất luận thế nào, khả năng làm giàu của Rockefeller cũng là điều thật sự đáng khâm phục. Năm 1902, một kết quả kiểm toán cho biết tài sản Rockefeller là khoảng 200 triệu USD (trong khi GDP Mỹ lúc đó chỉ khoảng 24 tỉ USD) và lên đến 900 triệu USD vào thời điểm cuối Thế chiến thứ nhất rồi 1,4 tỉ USD vào thời điểm ông từ trần. Chẳng có ai trong lịch sử cận đại Mỹ (cũng như thế giới) giàu bằng ông – nếu xét theo tỉ lệ với GDP nước Mỹ.

Năm 1895, ở tuổi 56, Rockefeller quyết định nghỉ hưu, chỉ duy trì vị trí Chủ tịch Standard Oil Company of New Jersey với số vốn 110 triệu USD. Năm 1911, ông rời khỏi vị trí cuối cùng trên trong sự nghiệp, 6 tháng sau khi Tập đoàn Standard Oil bị buộc phải tách nhỏ thành 34 công ty theo phán quyết của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ (trong số đó, có Continental Oil mà sau này trở thành Conoco; Standard of Indiana sau này trở thành Amoco mà nay thuộc BP; Standard of California sau này trở thành Chevron; Standard of New Jersey sau này trở thành Esso rồi đổi thành Exxon và nay thuộc ExxonMobil…).

Trong danh sách những người giữ cổ phiếu Standard Oil thời điểm tập đoàn bị xử tội độc quyền, riêng Rockefeller có 247.692 cổ phiếu với giá thị trường 167.192.000USD – một phần nhỏ trong tổng giá trị tài sản khổng lồ của ông (trong đó có các cổ phiếu trong nhiều ngành công nghiệp khác)…

Sau sinh nhật lần thứ 34, Rockefeller có thói quen ngủ trưa một hoặc hai tiếng sau bữa ăn và thường xuyên bỏ ra ba hoặc bốn buổi chiều hàng tuần để chơi golf hay về khu biệt thự vườn khổng lồ tự tay ông trồng cây (ông chơi golf đến tận tuổi xế chiều và thậm chí dự tính tổ chức một trận thi golf vào sinh nhật lần thứ 100).

Rockefeller có nhiều ngôi nhà nhưng khu biệt thự nhà vườn tại Pocantico Hills gần Tarrytown (New York) là nơi ông thích nhất. Nằm trên ngọn đồi nhìn xuống dòng Hudson, trang viên Rockefeller có diện tích 12.140.569 m2 với những khu vườn cực đẹp. Rockefeller đã bỏ ra hơn 2 triệu USD để xây khu trang viên này. Khu nhà có 350 nhân viên và 30 nhóm làm việc thường xuyên để chăm sóc toàn bộ, với chi phí nửa triệu USD/năm.

Với bản chất điềm tĩnh thiên phú, Rockefeller chưa bao giờ thể hiện sự buồn bã hoặc vui mừng thái quá. Ông không bao giờ uống rượu hoặc hút thuốc, luôn duy trì chế độ ăn uống điều độ và thể dục thường xuyên.

Khi ở tuổi 82, Rockefeller thậm chí còn chưa biết uống thuốc là gì. Càng về già, ông càng tĩnh tại. Sau mỗi bữa ăn, ông ngồi lại bàn và chơi trò giải số Numerica với đám người giúp việc. Ông đi ngủ sớm và dậy sớm. Khi thư giãn, ông lặng lẽ nghe nhạc, thường là những bản nhạc xưa hay các ca khúc Negro (da màu). Thích đùa với đám cháu, ông cũng dạy chúng cách để dành và cách cho đi – như chính ông từng được bố mẹ dạy.

Khi ra ngoài, ông thích đội tóc giả. Rockefeller thậm chí có nhiều bộ tóc giả, được một chuyên gia tại Washington làm riêng – một bộ để đi đánh golf, bộ khác đi lễ nhà thờ… Về già, Rockefeller dễ kết bạn với người lạ hơn so với hồi còn trẻ. Ông thường bỏ đầy túi những đồng xu mới tinh để phát cho các cô gái, chàng trai tình cờ gặp trên đường hay cho nhóm ca sĩ hát rong ở bến phà. Ông cũng tỏ ra thân thiện với báo chí hơn là giữ bộ mặt lạnh lùng và thái độ khép kín như thời còn ở ngai vua dầu mỏ.

Dù thích làm từ thiện nhưng Rockefeller lẫn vợ đều không quan tâm đến các vấn đề xã hội nằm ngoài phạm vi những người thân quen lâu năm. Phần mình, bà Rockefeller sống cả đời cho gia đình, giáo hội và hoạt động từ thiện. Trong những năm tháng cuối cùng, bà không thể đi lễ và Rockefeller mang về cho bà những ghi chép lời giảng mỗi chủ nhật. Năm 1915, bà Rockefeller chết tại Pocantico Hills khi chồng đang ở miền Nam nước Mỹ.

Nhà từ thiện không biết mệt

Những kẻ thù ghét miêu tả Rockefeller là một doanh nhân khát máu với kỹ năng bậc thầy trong thủ đoạn nhưng Rockefeller cũng để lại lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt. Ông đã miệt mài làm từ thiện ở cái thời mà khái niệm “trách nhiệm cộng đồng” của công ty vẫn còn chưa ra đời (và phổ biến như hiện nay đến mức bị lợi dụng chỉ nhằm mục đích quảng bá hình ảnh công ty).

3_john_rockefeller Rockefeller cũng ghi dấu ấn trong lịch sử với tư cách một doanh nhân làm từ thiện không biết mệt

Số tiền làm từ thiện của Rockefeller còn nhiều hơn cả vua (công nghiệp) thép Andrew Carnegie – một gương mặt huyền thoại với dấu ấn đậm nét không thua mấy so với Rockefeller, vốn nổi tiếng sống vì cộng đồng với tổng số tiền dùng cho từ thiện lên đến 350 triệu USD. Từ năm 1855-1934, Rockefeller tặng quà cho các tổ chức từ thiện lẫn tổ chức giáo dục với giá trị lên đến 530.853.632USD. Trong số trên, 182.851.480USD được gửi đến Tổ chức Rockefeller; 129.209.167USD đến General Education Board; 73.985.313USD đến Laura Spelman Rockefeller Memorial và 59.931.891USD cho Viện Nghiên cứu Y học Rockefeller (do ông sáng lập; năm 1965, đổi thành Đại học Rockefeller).

Đó là chưa kể số quà trị giá 34.708.375USD cho Đại học Chicago; cho các giáo hội Tin Lành; cho các tổ chức Thanh niên Công giáo (YMCA và YWCA); cho các trường đại học: Yale, Harvard, Columbia, Brown, Bryn Mawr, Wellesley và Vassar. “Nếu mục tiêu duy nhất của bạn là làm giàu, bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được” – với câu nói trên của ông, có thể thấy thêm điều ẩn bên trong của con người tư bản Rockefeller, một đại tư bản không thuộc loại chỉ biết vơ vét, bòn rút và ích kỷ. Như New York Times (24-5-1937) viết trong bài báo tưởng niệm cái chết John Davison Rockefeller: “Câu chuyện về Rockefeller, về một người khởi nghiệp từ con số không, tích lũy được rất nhiều và cho đi cũng rất nhiều, thật sự là trường hợp điển hình nổi bật của tính lãng mạn trong làng doanh nghiệp Mỹ”.

Ngày 23-5-1937, chỉ hai tháng trước sinh nhật lần thứ 98, Rockefeller chết bởi chứng xơ cứng động mạch, tại nhà riêng ở Ormond Beach (Florida). Ông được chôn cất tại Lake View (Cleveland). Đến nay, cái bóng dòng họ Rockefeller vẫn tiếp tục ngự trị trong lịch sử Mỹ. Một người cháu ruột, David Rockefeller, từng là ông chủ ngân hàng lừng lẫy ở New York, với hơn 20 năm ngồi ghế Tổng giám đốc điều hành Ngân hàng Chase Manhattan (bây giờ là JPMorgan Chase). Một người cháu khác, Nelson A. Rockefeller, từng là Thống đốc New York (thuộc đảng Cộng hòa) và là Phó tổng thống Mỹ thứ 41. Và một người cháu nữa, Winthrop Rockefeller, Từng là thống đốc Arkansas (cũng thuộc đảng Cộng hòa). Hiện thời (2011), người cháu thuộc thế hệ thứ tư, John D. “Jay” Rockefeller IV, là Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ (West Virginia).

Những bài học để lại

“Bí quyết thành công là, làm tốt những điều bình thường theo cách không bình thường” – Rockefeller từng nói. Trong sự nghiệp, Rockefeller luôn thực hiện công việc với tinh thần tập trung cao và ông luôn ám ảnh bởi “tính hiệu quả”. Khi xây các nhà máy lọc dầu, ông luôn đặt cao yếu tố chất lượng với tính cạnh tranh mà các đối thủ không thể so sánh. Bài học thứ hai của ông là tìm “con đường đi mới”. “Nếu muốn thành công, bạn phải đi trên những con đường mới chứ không phải là những lối mòn của những thành công vốn đã được chấp nhận”; “Đừng ngại bỏ cái tốt để đi tìm cái vĩ đại”… Đó là những câu “sấm truyền” của Rockefeller.

Trong thực tế, Rockefeller luôn trung thành với triết lý kinh doanh của ông. Một trong những “con đường mới” của Standard Oil là tấn công vào thị trường châu Á. Thập niên 90 của thế kỷ XIX, Standard Oil bắt đầu tiếp thị dầu lửa tại Trung Quốc, một thị trường khổng lồ với khoảng 400 triệu người dùng dầu lửa thắp sáng. Tại nước này, Standard Oil bán dầu với thương hiệu “Mei Foo” (Mỹ Phu – “mỹ” có nghĩa đẹp và “phu” có nghĩa niềm tin). Thời gian đầu, Mỹ Phu được bán với giá cực rẻ hoặc thậm chí cho không tại các vùng quê nghèo, nhằm thuyết phục dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật (lạc chẳng hạn) sang dùng đèn dầu. Kết quả, Trung Quốc trở thành thị trường lớn nhất của Standard Oil tại châu Á!

dau_mo_Standard_Oil_1 Standard Oil và chiến dịch thuyết phục người dân Trung Quốc bỏ đèn dầu thực vật, chuyển sang dùng dầu hỏa

Còn nữa, cuối thế kỷ XIX, Rockefeller bắt đầu đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất, khi Thomas Edison chế tạo được bóng đèn điện. Đã có đèn điện rồi còn ai cần đèn dầu! Tuy nhiên, Rockefeller đã nhanh chóng tìm lối thoát bằng một “con đường mới”: Chế tạo xăng cho ngành công nghiệp xe hơi cũng vừa bắt đầu chập chững hình thành!

Bài học thứ ba là: “Tham vọng”. “Tôi không nghĩ một người chỉ bắt đầu bằng ý tưởng làm sao mình trở nên giàu lại có thể thành công nếu anh ta không có tham vọng lớn hơn”; và rằng “Con đường đi đến hạnh phúc chỉ nằm ở hai nguyên tắc: Tìm những gì khiến bạn quan tâm và bạn có thể làm tốt; Đặt toàn bộ tâm hồn bạn vào đó với từng mảnh năng lượng, lòng tham vọng cũng như khả năng tự nhiên mà bạn có”.

Bài học thứ tư là: “Phát triển kỹ năng lãnh đạo”. “Lãnh đạo tốt là người có khả năng hướng dẫn cho người trung bình biết cách làm loại công việc của người tài giỏi hơn” – Rockefeller nói. Trong thực tế, Rockefeller cho thấy ông chỉ là một người “trung bình” cố hết sức để làm những việc tưởng chừng ngoài khả năng. Và với câu nói sau, người ta có thể thấy thêm tài dụng nhân của ông: “Khả năng xử lý với con người là thứ có thể mua được như bất kỳ hàng hóa nào. Chẳng hạn như cà phê hay đường, và tôi sẽ sẵn lòng trả giá cao hơn để mua thứ khả năng đó hơn là bất kỳ thứ gì khác trên đời”; rằng: “Tôi thà kiếm được 1% từ nỗ lực của 100 người khác hơn là 100% từ chính nỗ lực cá nhân của tôi”.

Cuối cùng, bài học thứ năm của Rockefeller là: “Tôn trọng lương tri”. Bằng cách đó, Rockefeller đã không sống ích kỷ. “Câu hỏi duy nhất với sản nghiệp giàu có là bạn sẽ làm gì với nó?” – ông nói. Rockefeller đã chẳng là “tên tư bản khát máu” khi nói rằng: “Tình bằng hữu tìm thấy trong làm ăn là một thương vụ tốt hơn một thứ làm ăn dựa trên tình bằng hữu”.

Đánh giá lại sự nghiệp Rockefeller, nhà báo – sử gia nổi tiếng chuyên viết thể loại tiểu sử, Allan Nevins (1890-1971), nhận xét: “Sự giàu có của những người Standard Oil đã chẳng phải là hiện tượng một sớm một chiều mà là thành tựu đạt được trong một phần tư thế kỷ, từ sự đầu tư can đảm vào một lĩnh vực mà mức độ rủi ro của nó cao đến độ hầu hết những nhà tư bản đều tránh né; bằng sự lao động bền bỉ; và bằng sự hoạch định minh mẫn nhìn xa trông rộng… Tài sản từ công nghiệp dầu năm 1894 không hề lớn hơn lợi nhuận từ công nghiệp thép, công nghiệp ngân hàng và công nghiệp hỏa xa trong cùng giai đoạn… Chúng ta có thể kết luận rằng tài sản mà ông ấy (Rockefeller) có là ít bị vấy bẩn nhất trong tất cả tài sản khổng lồ khác ở thời ông ấy”.

Mạnh Kim and Mạnh Kim

Categories: USA Tags: ,

“Vua dầu lửa” Rockefeller-Kỳ cuối: Sống căn cơ, từ thiện hào phóng

June 23, 2012 Comments off

>>> The Wealthiest Americans Ever

Ngay cả khi đã trở thành người giàu nhất nước Mỹ, Rockefeller vẫn duy trì tính căn cơ đến kỳ lạ. Bất chấp sự phản đối của gia đình, ông kiên quyết mặc những bộ complet cũ cho tới khi chúng sờn rách. Một trong những món ăn ông yêu thích vẫn là bánh mì và sữa. Một lần, ông mời hai vợ chồng doanh nhân nổi tiếng của địa phương đến trang trại của mình ở Forest Hill, Cleveland nghỉ hè. Sau đó, họ nhận được từ Rockefeller một hóa đơn đòi thanh toán tiền ăn 600 USD!

Rock-ve-gia Ảnh chụp Rockefeller năm 1927, khi ông đã dành toàn bộ tâm sức cho hoạt động từ thiện.

Năm 1864, ông kết hôn với bà Laura Clestia Spelman, hai người có 4 cô con gái rồi mới sinh được cậu “quý tử” John D. Rockefeller Jr. Tuy giàu có nhưng Rockefeller và vợ luôn dạy cho con cái về những giá trị của lối sống thanh bạch để tránh cho chúng bị hủy hoại bởi chính những khoản thừa kế lớn. Tại thành phố New York, Rockefeller “con” phải đi bộ từ nhà đến trường trong khi những đứa trẻ con nhà giàu khác được đưa đón bằng xe và có người phục vụ đi cùng. Còn để có tiền tiêu vặt, cậu phải làm việc tại các điền trang của cha với mức lương giống như những công nhân khác.

Sau khi qua đời, Rockefeller để lại tập nhật ký và quyển sổ chi dùng riêng của cá nhân ông. Từ quyển sổ chi dùng đó, có thể thấy bắt đầu từ năm 16 tuổi, khi xin được việc làm, cho tới khi chết, sự tiết kiệm của ông làm cho bất kỳ ai cũng phải kinh ngạc. Cuốn sổ ghi lại đầy đủ các khoản chi của ông từ năm 1826 đến năm 1872, không để sót một khoản nào, từ chi phí theo đuổi người bạn gái, sau này trở thành vợ ông, như số tiền của mỗi lần tặng hoa, 118 USD mua nhẫn hột xoàn cho lễ đính hôn, cho đến 20 USD chi phí hôn lễ, 1,10 USD tiền đăng ký kết hôn, 10,75 USD đi hưởng tuần trăng mật tại thác Niagara… Thậm chí đến 3 xu để mua tem thư cũng được ghi vào sổ.

Sau này, khi đã về già, mỗi lần nhắc tới vấn đề tiết kiệm, bao giờ Rockefeller cũng cười to nói: “Một món tiền to nhờ tiết kiệm mà có. Một món tiền to đấy!”.

hai-cha-con-Rock (2) “Vua dầu lửa” và cậu con trai duy nhất, Rockefeller “con”. Ảnh: Internet

Trong đời sống cá nhân và hoạt động kinh doanh, “Vua dầu” luôn giữ nguyên tắc tiết kiệm. Nhưng đối với phúc lợi xã hội thì ông không bao giờ tỏ ra bủn xỉn. Trái với bản lĩnh quyết liệt và tàn nhẫn trên thương trường, Rockefeller vẫn nuôi dưỡng được lòng từ tâm mà mẹ ông đã hun đúc từ thuở nhỏ. Ngay từ khi bắt đầu kiếm ra tiền, Rockefeller đã tài trợ những khoản tiền nhỏ cho nhà thờ. Số tiền tài trợ mỗi ngày một lớn và Rockefeller luôn nỗ lực cho đi một phần lớn trong khối tài sản ông tích lũy được. Cách xem xét tỉ mỉ và đánh giá thận trọng trong kinh doanh cũng được Rockefeller áp dụng trong hoạt động từ thiện, và các khoản tài trợ của ông đều được dành cho nhà thờ, khoa học, y tế và giáo dục.

Năm 1896, Rockefeller không còn đến văn phòng hằng ngày nữa và một năm sau ông nghỉ hưu, ở tuổi 58. Từ giữa thập niên 1890 cho đến khi qua đời vào năm 1937, Rockefeller chủ yếu tập trung vào các hoạt động từ thiện. Trường đại học Chicago, mà Rockefeller chịu trách nhiệm chính thành lập, đã được ông tài trợ 75 triệu USD – một số tiền khổng lồ vào năm 1932. Trong chuyến thăm trường đầu tiên diễn ra vào năm 1896, nhân dịp kỷ niệm 5 năm ngày thành lập trường, ông phát biểu: “Tôi tin tưởng vào việc thành lập trường đại học này. Đây là vụ đầu tư tốt nhất tôi từng thực hiện trong đời. Chúa đã cho tôi tiền bạc, làm sao tôi có thể không tài trợ cho trường chứ?”.

Ông cũng tham gia thành lập Viện nghiên cứu y khoa Rockefeller (nay là Đại học Rockefeller) và tổng số tiền tài trợ cho viện này lên tới 50 triệu USD trong thập niên 1930. Năm 1903, Rockefeller thành lập General Education Board – tiền thân của Quỹ Rockefeller, nhằm mở rộng các trường trung học trên khắp miền nam Mỹ. Năm 1919, ông đã hiến 50 triệu USD cho Quỹ để tăng lương cho các viện nghiên cứu, vốn rất thấp trong Thế Chiến I. Quỹ Rockefeller chính thức thành lập năm 1913 và “Vua dầu lửa” đã chuyển cho quỹ này 235 triệu USD cho tới năm 1929.

Khi qua đời vào ngày 23/5/1937, ở tuổi 98, tổng tài sản của tỉ phú giàu nhất mọi thời đại chỉ còn lại 26.410.837 USD sau khi đã quyên góp phần lớn tài sản cho hoạt động từ thiện, cho con trai và những người thừa kế khác.

Chỉ riêng công xóa sổ nạn giun móc ở miền nam nước Mỹ đã đủ đưa tên ông vào danh sách những nhà nhân đạo vĩ đại nhất thế kỷ 20. Nhưng danh tiếng của Rockefeller đã bị hoen ố đến mức ông chưa bao giờ nhận được sự công nhận quan trọng nào cho những đóng góp từ thiện của mình. Các nhà sử học chỉ viết về ông như sau: “Rockefeller từ một cỗ máy làm ra tiền đã trở thành một nhà bố thí lớn của nước Mỹ”.

Sau khi qua đời, tài sản của Rockefeller, thông qua một hệ thống các quỹ ủy thác, vẫn tiếp tục cung cấp tài chính cho các hoạt động từ thiện của gia đình, các hoạt động thương mại và chính trị khác trong suốt thế kỷ 20. Hậu duệ của ông cũng là những doanh nhân và chính trị gia thành đạt. Cháu trai David Rockefeller là chủ ngân hàng hàng đầu ở New York, người từng trên 20 năm giữ cương vị CEO của Chase Manhattan (nay là một phần của JPMorgan Chase). Một cháu trai khác, Nelson A. Rockefeller, từng là thống đốc New York và Phó Tổng thống thứ 41 của Hoa Kỳ. Cháu trai thứ ba, Winthrop Rockefeller từng là thống đốc bang Arkansas. Chắt của “Vua dầu lửa” John D. “Jay” Rockefeller IV hiện là thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của Tây Virginia và cựu thống đốc Tây Virginia.

Năm 86 tuổi, Rockefeller tự tóm gọn cuộc đời ông trong một bài thơ như thế này: “Từ nhỏ tôi đã được dạy cả chơi và làm việc. Cuộc đời tôi là một kỳ nghỉ dài hạnh phúc. Đầy ắp công việc và đầy ắp trò chơi. Tôi bỏ lại nỗi lo lắng trên đường. Và Chúa ban phước cho tôi mỗi ngày”.

Bạch Đàn

Categories: USA Tags: